Búp bê là một nét đặc trưng trong văn hoá nghệ thuật của đất nước Nhật Bản.  Tại Nhật Bản, búp bê truyền thống không chỉ là một món đồ chơi thông thường. Người Nhật tin rằng trong mỗi loại búp bê có một sức mạnh xua đuổi được tà ma, bệnh tật, bảo vệ con người. Bạn có biết ở Nhật Bản có những loại búp bê nào không? Hãy cùng Trungtamnhatngu.com tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Ở Nhật Bản có rất nhiều loại búp bê truyền thống khác nhau với đa dạng hình dáng và chất liệu. Trong đó nổi bật với 13 loại búp bê sau đây:

     1.  Búp bê Hina (ひな人形)

Búp bê Hina là loại búp bê trang trí có từ thời Heian (794 – 1185). Thường được sử dụng trong dịp lễ Hinamatsuri – Lễ hội búp bê của các bé gái Nhật Bản diễn ra vào ngày 3/3. Với mong muốn cầu phúc, may mắn và sức khỏe cho các bé gái. Cũng như ước nguyện cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và gia đình sung túc cho con gái của họ.

Không chỉ đại điện cho các bé gái, búp bê Hina còn là biểu tượng cho vua và hoàng hậu. Một bộ búp bê Hina đầy đủ phải bao gồm 15 con trong trang phục truyền thống. Chúng thể hiện các tính cách khác nhau. Vào dịp lễ của bé gái tại Nhật, các gia đình thường trưng bày búp bê Hina trên các bậc xếp tầng được phủ vải đỏ.

      2.  Búp bê Gogatsu (五月人形)

Không chỉ có ngày lễ của các bé gái mà Nhật Bản còn kỷ niệm ngày của các bé trai! Đây là một ngày lễ rơi vào ngày 5 tháng 5 hàng năm. Để ăn mừng trong dịp lễ này, các gia đình Nhật Bản có con trai sẽ trưng bày búp bê Gogatsu (tiếng Nhật nghĩa là “búp bê của tháng 5”).

Búp bê Gogatsu được sử dụng như một loại đồ thờ. Chính vì vậy, các bé trai dù thích nhưng cũng không thể nghịch hoặc chơi với những con búp bê này. Búp bê Gogatsu được cho là sẽ mang lại may mắn và cuộc sống khỏe mạnh cho các bé trai. Những chi tiết của một Gogatsu được các nghệ nhân làm rất tỉ mỉ tinh xảo, chi tiết từng sợi mi mắt, lông mày.

     3.  Búp bê Daruma (達磨)

Búp bê Daruma xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18 ở Nhật Bản. Daruma là một hình ảnh trừu tượng đại diện cho người sáng lập Phật giáo Thiền tông (Bồ Đề Đạt Ma). Daruma không có tay chân, có dáng người tròn trịa và mập mạp,có râu ria. Đặc biệt phần trọng tâm nằm ở dưới đế tương tự như lật đật, không bao giờ bị ngã. Điều này là hình ảnh ẩn dụ cho việc cho dù chúng ra có vấp ngã như thế nào, thì cũng phải tự đứng dậy. Mang ý nghĩa đại diện cho sự bội thu, thịnh vượng, thành công và bình an. Vì thế người Nhật thường tặng nhau trong dịp sinh nhật, lễ tết…  

Thông thường, búp bê Daruma mới mua về thường không có tròng mắt đen. Bạn sẽ tô tròng đen mắt trái sau khi thành tâm cầu nguyện một điều gì đó và đặt chúng tại nơi trang trọng và sẽ vẽ nốt mắt còn lại khi điều ước thành hiện thực. Mỗi hình tượng Búp bê Daruma còn thể hiện sự kiên trì và phấn đấu lao động của mỗi chủ nhân.

     4.  Búp bê Kokeshi (こけし)

Kokeshi là con búp bê gỗ làm bằng tay của người Nhật Bản. Có nguồn gốc từ thời Edo (1600 – 1868), là sản phẩm nổi tiếng của vùng Tohoku. Kokeshi có hình dáng các bé gái có đầu tròn tương đối to và thân hình trụ. Nét mặt được họa bằng những đường nét đơn giản. Trên thân búp bê được phủ một lớp sáp mỏng. Với những gam màu cơ bản như đen, đỏ, vàng và tím. Đặc biệt, chúng không có tay hoặc chân.

Kokeshi được làm chủ yếu từ gỗ cây muzuki (cây nước) do thớ gỗ loài cây này mềm mại. Tuy nhiên, loại gỗ được ưu chuộng nhất là gỗ cây anh đào vì có gam màu sẫm truyền thống. Ngoài ra, gỗ cây phong Nhật Bản cũng được sử dụng để làm búp bê Kokeshi cả truyền thống và hiện đại. Loại gỗ này được để ngoài trời từ 1 đến 5 năm trước khi đưa vào chế tác. Để chế tác thành công một con búp bê Kokeshi đòi hỏi rất nhiều kĩ năng cùng sự tỉ mỉ của người thợ. Búp bê Kokeshi ngày nay là món đồ lưu niệm phổ biến của Nhật Bản. 

     5.  Búp bê Teru teru bozu (てる てる ぼず)

Teru teru bouzu thì không con nào giống con nào bởi vì mỗi con có một cách trang trí khác nhau. Chúng được xem như một lá bùa để cầu nguyện cho một ngày có thời tiết như ý muốn. Loại búp bê này rất dễ làm và thường được làm bằng khăn giấy hay vải bông.

Teru teru bouzu được trẻ em treo thành hàng ở hiên nhà hay cửa sổ. Và thường trước những buổi cắm trại, búp bê cầu mưa luôn được treo để cầu cho một buổi cắm trại nắng ấm. Khi có ai đó treo ngược đầu búp bê hướng xuống đất có nghĩa là cầu rằng trời sẽ mưa.

     6.  Búp bê Musha (武者 人魚)

Loại búp bê Nhật Bản này cực kỳ nổi tiếng vào thế kỷ 17. Búp bê Musha đại diện cho một nhân vật nào đó trong lịch sử như các vị hoàng đế từng cầm quân ra trận, những vị tướng lĩnh nổi tiếng trong lịch sử,…

Về chất liệu, Musha được làm từ chất liệu giống với búp bê Hina. Tuy nhiên, yêu cầu về chế tác loại búp bê này cao hơn do chúng được đặt ở những tư thế sinh động. Ví dụ như búp bê tượng trưng cho các samurai thường có các tư thế cầm kiếm, quỳ gối. Bên cạnh có các chi tiết về trang phục và phụ kiện cũng được yêu cầu cao. Các phụ kiện này thường được làm từ giấy quét hơn mài, hoặc đúc kim loại.

     7.  Búp bê Bunraku (文楽)

Bunraku có nguồn gốc từ Osaka từ những năm 1680, dùng trong sân khấu kịch múa rối có lịch sử hơn 300 năm. Búp bê được đẽo gọt tinh vi, cẩn thận từ gỗ và sơn bằng tay. Với thiết kế cực kì công phu, phức tạp nên đòi hỏi nghệ nhân giàu kinh nghiệm đảm nhận. Chính vì thế, rối Bunraku sẽ có một màn biến hóa trong vở kịch vô cùng ngạc nhiên. Những người điều khiển rối sẽ chịu trách nhiệm khâu thiết kế, tạo thân rối và trang phục. Một sự kết hợp hài hòa giúp những con rối thêm sức sống hơn.

     8.  Búp bê Gosho (御所人形)

Có lịch sử khoảng 400 năm, búp bê Gosho là những bức tượng nhỏ màu trắng. Chúng có dáng vẻ mũm mĩm với những cái đầu to tròn được khắc từ gỗ cây hông. Trong thời kỳ Edo, thường được Hoàng gia tặng cho các sứ giả, do đó chúng được gọi là búp bê Hoàng cung (御所 – Gosho).

Ngoài ra, búp bê Gosho còn đại diện cho trẻ sơ sinh và mang lại may mắn cho trẻ nhỏ. Búp bê này đa số là những đứa trẻ trần truồng, mặc dù cũng có cái mặc quần áo. Thường là đầu to hơn người, với mặt mày rạng rỡ, với đôi mắt gắn thuỷ tinh. Tỷ lệ ước định giữa đầu và thân là một phần hai, luôn luôn sơn trắng và bóng.

     9.  Búp bê Karakuri (からくり)

Búp bê Karakuri xuất hiện khoảng thể kỉ 17 và được mệnh danh là robot đầu tiên của Nhật Bản. Đây là một trong những loại búp bê thú vị nhất của Nhật Bản vì chúng được tự chuyển động. Nó là một đại diện tiêu biểu của sự sáng tạo giữa mỹ thuật và máy móc. Các bộ phận như lò xo và bánh răng được sắp xếp gọn gàng bên trong để  có thể chuyển động.

Theo như truyền thống, búp bê Karakuri được làm từ gỗ và có ba loại búp bê có thể tìm thấy là: búp bê Karakuri phòng trà, búp bê Karakuri lễ hội và búp bê Karakuri sân khấu. Những búp bê Karakuri có thể làm đủ thứ chuyện, như dâng trà, nhảy múa,…

    10.  Búp bê Okiagari Koboshi (起き上がり小法師)

Có nguồn gốc từ thế kỉ 14 ,búp bê Okiagari Koboshi hay còn gọi là roly-poly, được thiết kế để làm đồ chơi cho trẻ em. Loại búp bê này có hình dạng béo tròn, được làm từ giấy bồi. Chúng có thể trở lại tư thế thẳng đứng ngay lập tức sau khi bị xô ngã. Chính vì vậy, chúng biểu tượng cho sự vực dậy sau mỗi lần vấp ngã. Bên cạnh đó, Okiagari Koboshi là vật mang lại may mắn, là biểu tượng của sự kiên cường trong những lúc nghịch cảnh. Hình tượng búp bê này cũng giống như lật đật ở Việt Nam.

     11.  Búp bê Ichimatsu

Vào thời Edo, búp bê đã được phổ biến và trở thành đồ chơi cho trẻ em. Từ thời Meiji, búp bê bắt đầu được sản xuất theo cặp – một nam một nữ. Đây là loại búp bê có khuôn mặt tròn, vẻ mặt đáng yêu cùng đôi môi đỏ thắm giống trẻ con. Thường thì chúng sẽ có kiểu tóc okappa – một kiểu đầu bob thường thấy ở các bé gái. Trang phục của chúng thường là những bộ kimono có màu sắc sặc sỡ.

      12.  Búp bê Hakata

Búp bê Hakata ra đời khoảng thế kỷ 17 khi các daimyo (chúa đất) hỗ trợ cho những thợ thủ công ở địa phương. Được sản xuất xung quanh vùng Fukuoka, một thành phố ven biển trên đảo Kyushu ở phía nam Nhật Bản. Búp bê Hakata là nhân vật chính trong lễ hội “Hakata Gion Yamasaka” vào tháng 7 hàng năm.

Hầu hết những con búp bê Hakata mô tả các nhân vật lịch sử nổi tiếng, võ sĩ sumo, samurai, trẻ em… Đặc biệt, những con búp bê đắt giá còn được trang trí bằng bột vàng, bột bạc.

Búp bê làm bằng đất sét lấy tại địa phương, không tráng men. Đất sét được tạo hình theo ý muốn và nạo bớt phần ruột bên trong. Việc đầu tiên là phải khắc nên hình dáng của nhân vật từ đất, sử dụng dao và bay. Phần bên trong được làm rỗng để con búp bê nhẹ hơn. Phần khắc thô này sẽ được phơi 10 ngày sau đó nung ở nhiệt độ 900 độ C suốt 8 tiếng. Cuối cùng, những màu sắc làm từ nguyên liệu thực vật được sử dụng để tô lên bức tượng. Những con búp bê sở hữu vẻ đẹp tinh tế và sống động là kết quả của quá trình tạo hình, nung và tô màu hết sức tỉ mỉ.

     13.  Búp bê Kimekomi

Loại búp bê này được chạm trổ từ gỗ cây liễu và được trang trí với những mảnh trang phục nhỏ. Trên thân búp bê, người thợ sẽ rạch những đường xẻ rãnh để có thể giấu vải quần áo vào đó. Ngày nay, búp bê  là một sản phẩm mỹ nghệ phổ biến với những kiểu đầu khác nhau có thể được mua tách rời để về ghép với thân búp bê.

Búp bê truyền thống của Nhật Bản thật thú vị đúng không nào. Hi vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích về búp bê cũng như văn hóa Nhật Bản nhé!

Xem thêm: Bí mật về búp bê cầu mưa.