Kendo là nghệ thuật kiếm đạo lâu đời của Nhật Bản. Chứa đựng nhiều tính lịch sử và văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Được mệnh danh là môn võ thuật “rèn luyện nhân cách con người thông qua đường kiếm”. Kendo (剣道 – けんどう) được tạo nên từ 2 chữ Hán,  剣 (ken) có nghĩa là kiếm, 道 (dou) có nghĩa là đạo. Chính vì vậy, Kendo có nghĩa là kiếm đạo. Là môn võ đánh kiếm hiện đại, được phát triển từ các kỹ thuật truyền thống của kiếm sĩ Nhật.

1.  Nguồn gốc của kiếm đạo nhật Bản

Kiếm Nhật ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 11, với lưỡi kiếm sắc bén và sống hơi cong lên. Sau khi cuộc chiến tranh Onin xảy ra vào nửa cuối thời kỳ Muromachi (1392 – 1573), nước Nhật rơi vào tình trạng hỗn loạn kéo dài. Chính trong thời này, nhiều võ đường dậy Kenjutsu (kỹ thuật kiếm) đã được thành lập.

Đến thời kỳ Edo (1603 – 1867), nước Nhật trở nên thanh bình. Kiếm – từ vũ khí giết người đã được “cải tiến” nhằm phát triển con người thông qua tư tưởng sử dụng kiếm. Kiếm đạo không chỉ bao hàm những kỹ năng về đường kiếm mà ẩn chứa trong đó còn là sự kỷ luật của các Samurai.

Trong suốt thời kỳ Shotoku, các phương tiện bảo vệ 剣道具 (Kendo-gu) đã được phát triển cùng với sự phát triển của phương pháp huấn luyện bằng sử dụng kiếm tre 竹刀 (Shinai). Đây chính là tiền thân của Kiếm đạo Nhật Bản hiện đại – Kendo. 

Sau cách mạng Minh Trị năm 1868, tầng lớp Samurai bị xóa bỏ, thiên hoàng ban hành lệnh cấm đeo kiếm đã khiến cho Kenjutsu suy tàn nhanh chóng. Nhờ vào cuộc kháng cự không thành của các Samurai chống lại chính phủ, đã góp phần mang lại sự phục hồi cho Kenjutsu trong lực lượng cảnh sát thủ đô. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Kendo đã bị tạm dừng dưới sự chiếm đóng của quân đồng minh. Vào năm 1952, khi Liên đoàn Kendo Nhật Bản (All Japan Kendo Federation) được thành lập, Kendo mới được sống lại và tiếp tục phát triển. Từ năm 2012, các môn võ đạo trở thành một môn học ngoại khóa bắt buộc ở các trường trung học Nhật Bản. Kendo trở thành một lựa chọn trong số đó cùng với Judo, Sumo…

2.  Ý nghĩa và tư tưởng của kiếm đạo

Ý nghĩa kiếm đạo đem lại

Ngày nay mọi người tập Kendo như một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Bởi vậy ngay khi nhập môn , người võ sinh Kendo được truyền dạy 5 đức tính:

Nhân đức: học Kendo để thực hiện mục tiêu nhân đức và cảm hóa người khác thành người nhân hậu.

Tư cách cao thượng: giữ mình ở bên trên những hận thù nhỏ nhen.

Công bằng chính trực: bênh vực những kẻ cô thế, tôn trọng lẽ phải, công bằng.

Trung tín: luôn luôn có lòng trung thành với mục tiêu cao cả, với đạo lý và giữ chữ tín ở đời.

Trí tuệ minh mẫn: nhận định được lẽ phải và sự tốt đẹp ở đời

Tư tưởng của kiếm đạo

Kendo được hiểu là “đạo của kiếm sĩ” với tư tưởng rèn luyện nhân cách con người qua nguyên tắc sử dụng cây kiếm. Mục đích của tập luyện Kendo chính là nâng cao thể lực, tinh thần cũng như phát triển văn hóa Nhật Bản.

Về cơ bản, kiếm đạo được thể hiện trong 4 chữ Khí, Kiếm, Thể, Nhất. Khí là khí công, kiếm là vũ khí, thể là thể lực và nhất là hợp nhất. Luyện Kendo phải làm sao cho chân khí nhập vào kiếm, phối hợp với sức mạnh cơ thể để những uy lực đó trở thành một.

3.  Võ phục và dụng cụ tập luyện

Kendo không có đẳng cấp đai đen đai nâu như các môn võ khác. Chỉ khi nào võ sĩ Kendo vung kiếm, nghe tiếng gió của kiếm lướt đi, thì người trong nghề mới biết trình độ của võ sĩ ấy. Càng ở đẳng cấp cao, các võ sĩ Kendo càng thủ thế lâu và lặng lẽ. Đường kiếm chỉ vung lên trong tích tắc, và là đường kiếm quyết định trận đấu! Thành thử võ sĩ Kendo phải học suốt đời cho đường kiếm luôn “nhanh hơn”. Do tính chất cực kỳ nguy hiểm như thế, nên khi thi đấu giao hữu, võ sĩ Kendo phải dùng kiếm tre và mặc võ phục đặc biệt.

  • Võ phục

Võ phục của Kendo có trang phục mặc ngoài là áo giáp (bogu). Mặc bên trong Bogu là áo khoác (kendogi or keikogi) và một loại quần có dây buộc ở thắt lưng. Với 2 ống quần rất rộng để kiếm sĩ thuận tiện di chuyển luyện tập và thi đấu (hakama). Đầu được bảo vệ bằng một loại mũ đặc biệt (面 – Men -めん) với lưới sắt để bảo vệ mặt, kết cấu bằng da và bìa cứng để bảo vệ đỉnh đầu, cổ và hai bên vai. Bên dưới nón men, người ta sẽ quấn khăn tenugui nhằm mục đích thấm hút mồ hôi và giữ cho men ít bị di chuyển.

Ngoài ra phần cẳng tay, cổ tay và bàn tay được bảo vệ bằng loại găng tay dài, dày và có đệm (kote). Phần hông, phần eo và trước háng cũng được bảo vệ bằng giáp (tare).

  • Dụng cụ

Thanh kiếm tre shinai được dùng thay thế cho thanh kiếm Nhật Katana trong tập luyện. Nó được làm từ bốn thanh tre ghép lại, giữ chặt với nhau bằng các miếng da. Đôi khi bạn sẽ thấy người học Kendo sử dụng kiếm gỗ (bokuto). Ngoài ra giáp và nón là không thể thiếu để bảo vệ những yếu điểm của cơ thể.

Trong quá trình tập luyện môn kiếm đạo sẽ gây ra nhiều tiếng ồn hơn những môn thể thao khác. Môn kendo sử dụng tiếng thét để biểu lộ tinh thần thi đấu và đe dọa đối phương. Đồng thời sử dụng các bước dậm chân ( 踏み込み足/ ふみこみあし fumikomi-ashi) để tăng sức mạnh đòn đánh. Đòn đánh của kiếm đạo thường nhằm vào những chỗ hiểm yếu của cơ thể như đỉnh đầu, hông…

4.  Các bài tập với kiếm đạo

Các bài tập rèn luyện kendo dành cho học viên khi tập luyện với giáp bao gồm:

+ Hikitate-geiko: Tập luyện dưới sự hướng dẫn của đồng môn cấp cao hơn.

+ Waza-geiko: nói chung các động tác tập để học viên luyện tập và chuẩn hoá các đòn đánh trong kendo.

+ Kakari-geiko: Đánh nhanh, liên tục và mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn. Mục đích để rèn luyện sự tỉnh táo và sẵn sàng trong mọi đòn đánh, sự tập trung cao độ. Đồng thời bài tập này cũng có thể giúp luyện tập thể lực.

+ Gokaku-geiko: Tập luyện giữa 2 học viện kendo có cùng đẳng cấp.

+ Ji-geiko: Vận dụng những gì đã được học để thi đấu cùng đồng môn.

+ Shiai-geiko: Thi đấu có trọng tài.

+ Kiri-kaeshi: Động tác chém liên tục bên trái và bên phải của Men bằng 4 bước tiến và 5 bước lùi. Mục đích là tập luyện để giữ vững trọng tâm, khoảng cách và các kỹ thuật.

>>> Xem thêm: Bí ẩn về kiếm Nhật Katana