Trong ứng xử, để tránh biểu hiện Honne có thể gây tổn thương người khác, người Nhật sử dụng Tatemae là biểu hiện nhằm duy trì chữ "hòa" trong cộng đồng.

Ở Nhật Bản có một loại văn hóa ứng xử trong giao tiếp khá phổ biến nhưng lại dễ gây khó chịu, tạo cảm giác bị lừa cho người nước ngoài, những người không tiếp xúc với môi trường này thường xuyên, là một nét văn hóa khiến người khác phải suy nghĩ “họ đang Honne hay Tatemae, thật lòng hay giả tạo?”

Honne là gì?

Honne (本音) viết bằng Hán tự gồm chữ “hon” ( 本- Bản) nghĩa là cái gốc, cái căn nguyên và chữ “ne” (音- Âm) trong âm thanh, ở đây mang ý niệm lời nói, ý nguyện, dẫn đến việc hình thành nghĩa nguyên từ của “Honne” mang nghĩa là “những suy nghĩ thật lòng“. Trong tiếng Nhật, Honne có từ đồng nghĩa là Honshin (本心-Bản Tâm) mang ý nghĩa những điều chân thật, không tự lừa dối bản thân, bày tỏ thật lòng, hoàn toàn tự nhiên theo tâm trạng con người.  

Việt Nam ta có câu “lời thật mất lòng” nên việc nói thật những gì bạn thực sự suy nghĩ, cảm nhận sẽ dễ dàng làm mất lòng người khác, gây ảnh hưởng xấu đến cái nhìn của người khác về bạn và dễ đánh mất mối quan hệ hiện đang có. 

Chính vì thế Tatemae đã được sinh ra để nhằm duy trì chữ “hòa” trong các mối quan hệ. 

Tatemae là gì?

 Tatemae (建前) viết bằng Hán tự gồm chữ “tate” (建- Kiến) nghĩa là “xây dựng” và chữ “mae” (前- Tiền) nghĩa là “phía trước”, cả từ Tatemae có nghĩa đen là “những lý thuyết, quan điểm cứng nhắc”, nhưng ở dạng nghĩa bóng (theo quan điểm văn hóa học) thì Tatemae lại được hiểu là lời nói theo nguyên tắc lễ nghi, hoặc là những biểu hiện bên ngoài như là thái độ, cách ứng xử, giao tiếp. 

Vậy nên Tatemae đi ngược lại với Honne, là biểu hiện ngược với những gì trong lòng suy nghĩ. 

Tatemae cực kì phổ biến ở Nhật như là một phương thức ứng xử hằng ngày để không làm mất lòng người khác, duy trì mối quan hệ tốt đẹp dù bản thân họ đang ở địa vị xã hội nào đi nữa. Họ phải kiềm chế bớt tính cá nhân như quan điểm, cảm xúc, suy nghĩ hay hành động có liên quan đến một người, một tập thể khác. 

Tatemae thể hiện rất rõ ở việc họ sẽ không bao giờ nói “KHÔNG” để từ chối một cách thẳng thừng với đối phương. Họ sẽ nói lòng vòng một hồi rằng họ cũng rất muốn làm đấy nhưng đang vướng mắc chuyện gì đó mà không thể làm được. Điều đó rất dễ tạo ra Aimai (mơ hồ) khi bạn thực sự nắm không được ý của đối phương là gì. 

Một số ví dụ của Honne và Tatemae trong cuộc sống:

Người Việt ta hay nói “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, tức ta có thể dùng nhiều cách để biểu đạt ước muốn, cảm xúc của ta mà không khiến đối phương cảm thấy bị xúc phạm và Tatemae tương tự như thế.

Trong cuộc sống, nhiều trường hợp người Nhật hầu như sử dụng Tatemae với cách nói lấp lửng, kéo dài khiến nhiều người không biết cứ nghĩ rằng họ đang suy nghĩ, họ sẽ xem xét nhưng không phải đâu, họ đang để bạn tự hiểu ẩn ý bên trong là NO đấy. 

Chẳng hạn như họ sẽ không nói thẳng rằng “行きたくない”(ikitakunai – tôi không muốn đi), “それはだめ” (sore wa dame – điều đó không được) mà thay vào đó là những câu trả lời mơ hồ, bỏ lửng thường kéo dài như “それは…” (sore wa… – chuyện này thì…), ちょっと(chotto) hay các lý lẽ biện minh như “行きたいですが、きょうは用事が入ってて。”(Ikitai desu ga, kyou wa youji ga haittete- Tôi muốn đi lắm nhưng hôm nay tôi có việc bận mất rồi).

Hoặc trong công việc, khi bạn cần xin phép boss của bạn điều gì như xin nghỉ, bạn sẽ thường xuyên nghe câu này “この件は考えておくよ (tôi sẽ suy nghĩ về chuyện này)”. Nếu bạn là một người nước ngoài mới chân ướt chân ráo, khi nghe câu này bạn sẽ hi vọng, sẽ chờ mong nhưng đây thật sự chỉ là một câu khách sáo thôi. Bạn sẽ phải tự biết rằng kết quả sẽ mãi là không bởi vì một ngày có rất nhiều việc, họ sẽ không có thời gian để suy xét chuyện của bạn đâu.  

Clip một số trường hợp và lời thể hiện Tatemae mà người Nhật hay dùng

“Lời nói dối vô hại “

Nói thẳng ra thì rõ ràng người Nhật đang nói dối hoặc lảng tránh vấn đề. Có lẽ sẽ có người cảm thấy khó chịu, phiền phức, thậm chí cho rằng đó là hai mặt, là giả tạo nhưng nếu xét cho kĩ thì bên trong những lời nói dối ấy có sự thiện ý, có quan tâm đến cảm nhận và suy nghĩ của người khác. Họ sợ rằng khi từ chối thẳng thừng với lời mời mọc, đề nghị, yêu cầu của đối phương sẽ làm đối phương bị tổn thương từ đó có thể ảnh hưởng đến quan hệ của hai bên và làm câu chuyện trở nên bế tắc, khó xử hơn. Họ mong rằng với những câu nói dối, những câu lấp lửng, mập mờ ấy bạn có thể hiểu và không cảm thấy bị xúc phạm

Liệu có bao nhiêu người có thể thẳng thắn chấp nhận một lời từ chối, một lời nhận xét thẳng thừng, thật lòng của người khác? 

Nếu bạn tinh ý chút, làm quen dần, bạn sẽ phân biệt được Honne và Tatemae ngay thôi. Cách hiệu quả nhất chính là nhìn vào khuôn mặt, hành động của họ chứ đừng chỉ nghe họ nói. 

Xem thêm: Top 10 món ăn mùa đông Nhật Bản được yêu thích nhất.

Chẳng hạn như khi bạn mời họ ăn một món gì đấy hay tặng họ những món quà, họ sẽ khen nhiệt rất nhiệt tình, dù bạn có hỏi 本当 (hontou – thật sao) bao nhiêu lần họ vẫn sẽ cười tươi và khen. Bạn sẽ không thể biết được đó là khen thật hay khách sáo đâu nhưng chính hành động tiếp theo của họ sẽ thể hiện ý nghĩ thật trong lòng họ. Nếu là Tatemae, bạn sẽ không thấy họ chạm đũa vào món đó lần nào nữa, và sẽ uống liên tục uống nước. Dù bạn có bảo họ hãy ăn nhiều vào, họ sẽ lịch sự vâng rồi nếm một ít rồi lại thôi. Hoặc bạn sẽ thấy món quà bạn tặng vẫn nằm trong bao bì, hoặc cất một nơi chẳng bao giờ sử dụng đến. 

Xem thêm: Văn hóa cosplay độc đáo của giới trẻ Nhật Bản

Xem thêm: Người nước ngoài thích hay không thích văn hóa Nhật Bản?

Tuy Honne – Tatemae mang đến rất nhiều hiểu lầm và gây bối rối, nhất là với người chưa tiếp xúc nhiều với văn hóa Nhật Bản nhưng ta vẫn phải công nhận rằng đây là một nét văn hóa đậm chất Nhật Bản, nếu không lợi dụng nó quá nhiều thì đây sẽ là một phương pháp ứng xử lịch sự xã giao cực kì hiệu quả, nhất là trong các mối quan hệ, trong công việc, trong cộng đồng.