Tết của người Nhật bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 dương lịch, nên từ những ngày tháng 12, không khí chuẩn bị đón Tết đã rộn ràng khắp mọi ngõ phố. Càng về cuối năm, càng có nhiều phong tục tập quán độc đáo. Nhưng quan trọng và nổi tiếng hơn cả có lẽ chính là “Hatsumode” – phong tục đi lễ đền chùa đầu năm mới tại Nhật Bản.

1.  Hatsumode là gì?

Cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, vào dịp đầu năm mới mọi người thường đi lễ chùa. Cầu nguyện những điều may mắn cho năm mới và lễ này được gọi là “hatsumode” theo tiếng Nhật. Trong lễ này mọi người thường tạ ơn một năm bình an và may mắn đến với mình cũng như cầu mong trong năm mới gặp được nhiều sự thuận lợi, may mắn, an lành và đạt được những mong cầu của mình.

2.  Địa điểm nên đi hatsumode?

Về cơ bản, bạn có thể đi hatsumode ở bất kỳ ngôi chùa hoặc đền thờ nào trên đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm, bạn có thể cân nhắc đến thăm một trong những địa điểm nổi tiếng dưới đây để trải nghiệm xem Hatsumode diễn ra như thế nào nhé.

Đền Meiji Jingu – 明治神宮 (Tokyo)

Đây là một trong những ngôi đền nổi tiếng và lâu đời tại nước Nhật. Nằm cách ga Harajuku chỉ một vài bước chân, bạn có thể sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một vùng đất tự nhiên rộng lớn như vậy giữa lòng Tokyo. Ngôi đền này vào mỗi dịp đầu năm mới thu hút một lượng lớn người dân địa phương cũng như các khách du lịch đến cầu nguyện. Mọi người thường đến đây để cầu sự bình an cho gia đình mình.

Đền Ise Jingu (Naiku) (Tỉnh Mie)

Tọa lạc tại tỉnh Mie, Ise Jingu được coi là một trong những điện thờ Thần đạo quan trọng nhất ở Nhật Bản. Đây là nơi thờ phụng nữ thần Mặt trời Amaterasu. Điện thờ nổi tiếng đến mức một số người gọi đây là “linh hồn của Nhật Bản”. Do tính chất thiêng liêng cũng như danh tiếng của Ise Jingu, nơi đây luôn tự hào là địa điểm nổi tiếng nhất để thực hiện hatsumode ở Nhật Bản.

Đền Atsuta Jingu (Nagoya)

Có thể nói, Atsuta Jingu là một trong những ngôi đền Thần đạo quan trọng. Được coi là một điểm đến nhất định không thể bỏ qua khi bạn đang ở Nagoya.

Chùa Narita-san Shinshoji – 成田山新勝寺 (Chiba)

Ngôi chùa này có bề dày lịch sử hơn 1000 năm. Là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất tại Nhật Bản. Ngôi chùa này mỗi năm thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan và cầu nguyện. Trong dịp đầu năm mới chùa rất đông người đến cầu nguyện cho công việc, sức khỏe, bình an.

Chùa Sensouji – 浅草寺 (Asakusa, Tokyo)

Đây là ngôi chùa lâu đời nhất tại Tokyo và có nhiều khách tham quan hàng năm. Trong dịp năm mới mọi người thường tập trung tại cổng chùa để chờ đón khoảnh khắc giao thừa và nghe tiếng chuông chùa rung lên trong khoảnh khắc đó.

Đền Sumiyoshi Taisha – 住吉大社 (Osaka)

Ngôi đền này là một trong những ngôi đền nổi tiếng tại Nhật Bản. Được thành lập vào thế kỷ thứ 3. Đền thờ vị thần biển cả bảo vệ những người đánh cá, tàu thuyền trên biển. Ngôi đền này mỗi năm cũng thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan và cầu nguyện. Trong dịp năm mới mọi người thường đến đây cầu sự bình an và đi lại an toàn.

Đền Fushimi Inari Taisha – 伏見稲荷大社 (Kyoto)

Đây là ngôi đền lớn thờ thần Inari, vị thần lúa nổi tiếng tại Nhật Bản. Mọi người thường đến đây cầu nguyện cho mùa màng bội thu, công việc phát đạt và sức khỏe dồi dào. Trong ngày đầu năm mới tại chùa sẽ diễn ra lễ cầu an cho đất nước và toàn thể người dân Nhật Bản.

3.  Nghi thức cầu nguyện như thế nào mới được xem là đúng?

Đền:

Khi viếng thăm tại các ngôi đền ở Nhật Bản mọi người cần cúi chào tại cổng Tori ở lối vào đền. Lưu ý không nên đi khu vực chính giữa ở lối vào đền mà chỉ nên đi sang hai bên. Theo quan niệm của người Nhật lối đi chính giữa là dành cho các vị thần. Khi vào bên trong đền đi đến nơi rửa mặt, súc miệng để gội sạch cơ thể trước khi vào viếng các vị thần. Đi đến tại đền chính, thực hiện nghi thức cúi chào và bỏ tiền xu vào một hộp đặt trước đền, sau đó rung chuông. Cúi người 2 lần trước đền và vỗ tay 2 lần sau đó chắp lại để cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện xong cúi thấp người 1 lần nữa để chào.

Chùa:

Những nghi thức tại chùa cũng gần giống với các ngôi đền ở Nhật Bản. Khi đến cổng chùa, mọi người cần cúi chào và đi vào bên trong. Rửa mặt và súc miệng trước khi vào cầu nguyện trong chùa. Vào bên trong bàn thờ chính và cúi lạy, chắp tay lại và im lặng cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện xong cúi lạy một lần nữa.

4.  Một số hoạt động khác khi đi hatsumode.

 Xin xăm

Cũng giống Việt Nam, vào ngày đầu năm mới khi đến viếng tại đền chùa mọi người thường xin xăm. Đây là một trong những phong tục truyền thống lâu đời của người Nhật và mang những ý nghĩa tâm linh. Những que xăm mang đến những điều mong muốn của mọi người trong năm mới.

+ Quẻ bói Omikuji

Quẻ bói Omikuji là một loại bùa may mắn khác mà bạn có thể tìm thấy ở khắp các đền chùa. Tuy nhiên, rất nhiều người hy vọng năm mới sẽ xuất hiện những cơ hội mới. Và theo thông lệ nhiều người sẽ đi rút quẻ Omikuji vào dịp đầu năm. Mặc dù phương thức cụ thể có thể khác nhau tùy từng đền chùa. Nhưng để rút được một quẻ, bạn sẽ phải bắt đầu bằng việc lắc một hộp gỗ chứa đầy các que đánh số. Lắc chúng cho đến khi một thanh gỗ rơi ra khỏi lỗ nhỏ trên hộp gỗ. Sau đó, việc bạn cần làm là tìm con số tương ứng trên các ngăn kéo gỗ kề đó và rút quẻ bói của bạn ra.

Quẻ bói Omikuji sẽ nói chi tiết về vận mệnh của bạn. Trong các lĩnh vực như sức khỏe, tình yêu, tiền tài và những khía cạnh khác. Nếu bốc phải quẻ không may, bạn có thể buộc nó vào một giá gỗ, thường để gần đó. Với hy vọng thần linh có thể giúp bạn thay đổi số phận của mình. Dù xin được một quẻ may mắn thì bạn cũng có thể gửi tờ giấy đến thần linh như một cách để nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chọn cách giữ lại quẻ bói may mắn để mang về nhà.

 Mua bùa hộ mệnh

Bùa hộ mệnh là một trong những vật được người Nhật rất trân trọng. Những loại bùa hộ mệnh này thường được mọi người đem theo bên người để cầu sự bình an và may mắn cho bản thân. 

+ Bùa hộ mệnh Omamori

Omamori là loại bùa may mắn được cho là chứa đựng sức mạnh của các vị thần bên trong. Những chiếc bùa đầy màu sắc và được trang trí khác nhau tùy thuộc vào từng đền chùa. Mặc dù được bán quanh năm, nhưng omamori đặc biệt phù hợp khi bạn mua chúng vào dịp hatsumode. Làm quà tặng cho bạn bè và gia đình, nhằm giúp họ tránh khỏi những điều xui xẻo trong suốt một năm sắp tới.

Tuy nhiên, những lá bùa Omamori cũng có bí mật. Thời gian sử dụng của chúng chỉ trong khoảng một năm. Sau đó người ta tin rằng sức mạnh thần thánh của mỗi chiếc bùa sẽ dần suy yếu. Trong trường hợp này, hãy mang bùa trở lại đền chùa nơi mà bạn đã mua. Sau đó chúng sẽ được đem đi “hóa” như một nghi lễ để tỏ lòng tôn kính. Vì lá bùa đã giúp bạn trong suốt một năm qua. Tất nhiên, sau khi “hóa” omamori cũ, bạn sẽ cần mua một cái mới, và hatsumode là thời điểm thích hợp để làm điều này!

+ Mũi tên may mắn Hamaya

Hamaya (theo nghĩa đen nghĩa là “mũi tên diệt quỷ“) là một loại bùa xua đuổi vận đen. Theo truyền thống, những mũi tên này được tặng để kỷ niệm năm mới đầu tiên trong cuộc đời của một bé trai và đi kèm với một cây cung diệt quỷ (hamayumi). Giờ đây, người ta thường lấy mũi tên làm vật đại diện cho một bộ cung tên. Bên cạnh ý nghĩa là lá bùa hộ mệnh mang đến sự an toàn cho gia đình, nó còn biểu tượng cho việc nhắm trúng những cơ hội tốt nhất trong năm mới.

Bạn có thể trưng bày hamaya trong nhà theo một số cách khác nhau. Cách tốt nhất là bày mũi tên lên Kamidana (một dạng bàn thờ Thần đạo cỡ nhỏ trong gia đình). Tuy nhiên, nếu bạn không có một chiếc bàn thờ thì chỉ cần treo hamaya lên tường là đủ. Vì hamaya có tác dụng xua đuổi ma quỷ, bạn nên giữ chúng ở nơi mà gia đình bạn hay tụ tập nhất. Nếu không, hãy đặt hamaya gần lối vào nhà của bạn để ngăn chặn những điều không may mắn.

Xem thêm : Omikuji – Quẻ bói kiểu Nhật Bản

Xem thêm: Vì sao người Nhật ăn mì Soba vào đêm giao thừa