Tìm hiểu về khái niệm Wabi Sabi
Wabi Sabi có nguồn gốc từ Phật giáo, đó là cảm quan về cuộc sống, đồng thời là một quan điểm mỹ học chi phối tư tưởng của nhiều loại hình nghệ thuật từ xưa đến nay của người Nhật.
Wabi (侘), có âm Hán Việt là “Sá”, nói về ý thức tìm kiếm cảm giác đủ đầy về tâm hồn trong sự túng thiếu, nghèo khổ. Hay nói cách khác, từ “Wabi” ám chỉ đến “sự mộc mạc, giản đơn và hài hòa với thiên nhiên”.
Sabi (寂), có âm Hán Việt là “Tịch”, nói về vẻ đẹp toát ra từ sự điềm nhiên, tĩnh lặng dù bị che khuất bởi thời gian. Bắt nguồn từ chính động từ của nó Sabu (寂ぶ) ám chỉ đến sự hư hỏng dần theo thời gian.
Kết hợp lại với nhau, Wabi Sabi là triết lý sống tập trung vào các khiếm khuyết nhưng không phải để phán xét mà tìm ra và tôn vinh tính tích cực bên trong chúng dựa theo ba dấu hiệu tồn tại trong giáo lý nhà Phật là vô thường – đau khổ – không bản ngã.
(Ảnh: mom.maison-objet.com)
Còn trong nghệ thuật, Wabi Sabi đại diện cho mọi vẻ đẹp thuần khiết được đúc kết ra từ ba sự thật hiển nhiên của tự nhiên: không gì vĩnh hằng, bất biến; không gì trọn vẹn và không có gì hoàn hảo (theo Richard Powell).
Vườn thiền của ngôi đền Ryoan-ji, Kyoto, Nhật Bản có thể coi là biểu hiện cụ thể nhất cho mỹ quan wabi – sabi, với bức tường bằng đất sét ngả màu nâu vàng đại diện cho wabi, cùng với đó là những phiến đá phủ đầy rêu tượng trưng cho sabi
Lịch sử hình thành của Wabi Sabi gắn liền với trà đạo truyền thống
Tương truyền rằng vào cuối thế kỉ XII, nhà sư người Nhật Eisai(1141-1214) sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Vào năm 1199, ông trở về từ Trung Quốc với ý định dựng nên ngôi đền Phật giáo Thiền Tông đầu tiên tại đất nước của mình.Khi về nước, Eisai mang theo 1 số hạt trà và một túi trà xanh để giới thiệu với mọi người về cách trồng trà cũng như cách thức pha trà – được cho là phong cách trà đạo sớm nhất ở Nhật với cái tên 碾茶(Tencha).
Vị thiền sư Eisai ở Nhật
Trong các nghi lễ tôn giáo ở các tu viện Phật Giáo, nhất là trong thời gian thiền định, các nhà sư dùng trà để giúp họ tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nghệ thuật trà đạo còn được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau như các cuộc buổi gặp gỡ của giới thượng lưu. Văn hóa uống trà vào giai đoạn này giống như những trò chơi xa xỉ của nhiều quí tộc và thương nhân với những vật dụng và loại trà đắt tiền mà họ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Wabi-Sabi lần đầu xuất hiện vào thế kỉ 15 trong tài liệu Kokoro no fumi(Lá thư của trái tim) được biên soạn bởi nhà sư Murata Juko do ông rất bất bình trước sự sai lệch trong nghệ thuật uống trà và muốn định nghĩa lại chúng. Nội dung của cuốn tài liệu viết về một buổi lễ trà dựa trên tư tưởng của chính triết lý Wabi Sabi. Bên cạnh đó, ông còn khuyến khích mọi người sử dụng vật dụng bằng đá mòn hoặc men được tạo ra từ những nghệ nhân Nhật Bản.
(1 phần trích đoạn trong tâm thư của nhà sư Murata Juko)
Trải qua nhiều sự thay đổi, triết lí Wabi Sabi dần dần được hoàn thiện hơn bởi một huyền thoại mang tên Sen no Rikyu (1522 – 1591) (người đầu tiên sử dụng chiếc ấm bình dân cùng với những cái chén đã sứt thay vì những thiết kế tinh xảo đắt tiền từ Trung Quốc để tiến hành nghi thức trà đạo) và thiền sư Matsuo Basho (người truyền bá Wabi Sabi cho toàn nước Nhật cũng như thế giới thông qua những bài thơ đặc sắc của mình). Quan điểm mỹ học Wabi Sabi ngày nay có thể hiểu là sự cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không trọn vẹn bị hao mòn đi theo thời gian bởi đó là vẻ đẹp cốt lõi của sự sống, thời gian và vẻ đẹp không gì có thể sánh bằng.
Ứng dụng triết lí sống Wabi Sabi trong nghệ thuật và nhiều khía cạnh khác
Từ nghệ thuật trà đạo truyền thống, Wabi Sabi dần dần từng bước ăn sâu vào tiềm thức của người dân và len lỏi vào làm thay đổi hệ quy chiếu của thẩm mĩ của mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực ở Nhật Bản. Nói theo cách của Leonard Koren thì “Wabi Sabi là đặc tính riêng biệt nổi bật nhất của vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản, nó chiếm một vị trí thiêng liêng trong đền thờ của những giá trị thẩm mỹ hệt như vai trò của triết lý hoàn mỹ Hy Lạp đối với văn hóa phương Tây”.
Một vài ứng dụng tiêu biểu của triết lí sống Wabi Sabi ta có thể kể đến như:
1. Kiến trúc nội thất
Một ngôi nhà mang theo phong cách Wabi Sabi không bao giờ có tính hoàn hảo, sang trọng, và màu sắc lộng lẫy trong nó. Có thể chiếc tủ hay cái ghế mà bạn yêu thích sẽ bị nhuốm màu, bị mài mòn theo thời gian nhưng điều đó chứng tỏ rằng chúng ta đã tận dụng rất tốt món đồ ấy.
Với gỗ mộc gia công thô sơ và bức khảm bằng sỏi căn hộ thể hiện rõ âm hưởng wabi sabi bình dị nhưng không hề kém vẻ sang trọng.
Tư tưởng chủ đạo của phong cách thiết kế này chính là tôn trọng và cố gắng giữ nguyên bản chất tự nhiên của mọi vật, từ chất liệu, màu sắc, kết cấu cho đến không gian nhằm mang đến cho mọi người sự mộc mạc, giản dị, gần gũi cũng như 1 cảm giác nhẹ nhàng, yên bình và dễ chịu.
2. Nghệ thuật làm gốm,phục hồi đồ gốm
Không chỉ ở kiến trúc mà cả ở trong nghệ thuật làm gốm ở Nhật, Wabi Sabi như 1 chuẩn mực tất yếu để tạo ra những sản phẩm mà trong nó đều ẩn chứa những nét đẹp riêng của tự nhiên. Những thương hiệu làm gốm theo phong cách Wabi Sabi nổi tiếng có thể kể đến là gốm Raku(楽焼 ー raku yaki) – thương hiệu làm gốm bằng phương pháp hoàn toàn thủ công mà không sử dụng đến bàn xoay gốm bởi những nghệ nhân – hay gốm Hagi(萩焼 ー Hagi yaki).

Các loại chén gốm Hagi khác nhau
Bên cạnh nghệ thuật làm gốm, thì trong nghệ thuật phục hồi đồ gốm cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi Wabi Sabi. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là nghệ thuật Kintsugi(金継ぎ) – dùng vàng để biến đổi những đồ gốm bị vỡ thành những kiệt tác nghệ thuật.
Gốm Kintsugi
3. Quan hệ xã hội
Triết lí Wabi Sabi dạy cho ta rằng “Trên thế giới này không ai là hoàn hảo cả chính vì thế chúng ta nên chấp nhận và đối mặt với khiếm khuyết ,sự không hoàn hảo của người đối diện thay vì cứ chỉ trích và phán xét họ”. Cũng giống như Samurai thời xưa của Nhật, có thể ngoài chiến trận đó là 1 người có kĩ năng tài giỏi, tài nghệ điêu luyện nhưng khi bước vào phòng trà, họ đều tự giác cởi bỏ bộ giáp, thanh kiếm – niềm tự hào của họ trên chiến trận – ở ngoài hiên chứ không mặc như thế bước vào.
Đau khổ từ một cuộc tình tan vỡ chính là cơ hội để tìm được một nửa đích thực của đời mình. Thất bại hôm nay là thành công của ngày mai. Nếp nhăn có thể không đẹp về mặt thẩm mỹ nhưng chúng nhắc nhở rằng chúng ta đã từng vui vẻ buồn đau ra sao… . Tất cả những khiếm khuyết đều có nguyên nhân của nó và con người nếu không biết chấp nhận sẽ mãi sống trong những ảo tưởng về một cuộc sống hoàn hảo chỉ có trong sách vở.
Leave a Reply