Nhật Bản là một đất nước luôn được biết đến có khá nhiều ngày nghỉ dành cho người lao động, đặc biệt vào dịp đầu năm mới, ngoại trừ tết Nguyên Đán người dân nơi đây còn tổ chức Seijinshiki-lễ thành nhân dành cho các bạn trẻ đủ 20 tuổi. Hôm nay các bạn hãy cùng New Sky tìm hiểu về ngày này nhé!
- Seijinshiki là gì?
Trong tiếng Nhật Seijinshiki được viết là “ 成人式 (thành nhân lễ)”, tiếng Việt gọi là lễ thành nhân hay lễ trưởng thành. Đây là một buổi lễ có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời của mỗi người dân Nhật Bản, những người trẻ tuổi được coi là đã bước sang tuổi trưởng thành sẽ cởi bỏ trang phục trẻ con rồi khoác vào mình những bộ trang phục của người lớn và từ đó bắt đầu được đối xử như một người trưởng thành với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân.
- Thời gian:
Ngày thứ 2 của tuần thứ 2 của tháng 1 hằng năm, bắt đầu từ năm 1948.
- Địa điểm:
Tất cả các địa phương trên nước Nhật. Có nơi chính phủ tổ chức, có nơi tự người đến tuổi tổ chức.
- Mục đích:
Chúc mừng và động viên tất cả những người vừa đạt đến tuổi trưởng thành (theo luật Nhật Bản là 20 tuổi) trong năm rồi và giúp họ nhìn nhận bản thân đã trở thành người lớn.
- Trang phục:
Thiếu nữ Nhật Bản sẽ trang điểm những kiểu tóc lạ – đẹp, mặc những bộ kimono lộng lẫy nhiều màu sắc sinh động nhất với cánh tay áo rất dài được gọi là ”Furisode” (chỉ dành cho phụ nữ chưa lập gia đình).
Trang phục của nam giới thì thoải mái hơn, có thể là vest hay bộ kimono truyền thống dành cho nam nhưng cách mặc của nam thì đơn giản hơn nhiều chứ không lỉnh kỉnh như kinono nữ.
- Hoạt động:
Buổi lễ gồm có nghi thức Thành Nhân tổ chức ở các văn phòng địa phương và vùng, và buổi tiệc sau đó với gia đình và bạn bè.
Tại buổi lễ, chủ tịch đơn vị hành chính sẽ gửi lời chúc phúc đến các nam nữ tới độ tuổi thành niên. Những ai tham gia đều sẽ tự tay chọn bưu thiếp, viết điều mong ước của bản thân vào rồi treo lên giá trong đền với hy vọng mọi điều sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống. Ngày thành nhân cũng là dịp duy nhất trong năm để khách du lịch chiêm ngưỡng một Nhật Bản rực rỡ màu sắc với những bộ kimono sặc sỡ khắp ngõ nẻo đường.
- Nguồn gốc của Seijinshiki:
Seijinshiki bắt nguồn từ một nghi thức cổ xưa của Nhật được gọi là Genpuku (元服), là lễ trưởng thành dành cho các bé trai của những gia đình samurai quyền quý.
Từ triều đại Nara (710 – 794) đến triều đại Heian (794-1192), lễ được tổ chức cho những bé trai trong khoảng 13 đến 16 tuổi. Đến khoảng thế kỷ 16, thì có tên là “元服式“(genpukushiki) và được phổ biến đến cả những tầng lớp bình dân và nông dân cho tới cuối thời Edo. Đây được coi là nghi thức bắt nguồn cho “成人式 -seijinshiki” ngày nay.
- Quyền lợi được hưởng sau ngày seijinshiki:
Sau bao năm sống phụ thuộc, được gia đình che chở, đến trường và khoác trên mình bộ đồng phục giống nhau, giờ đây họ đã trưởng thành cả về thể xác lẫn tinh thần và được thừa nhận là những công dân thực thụ của xã hội, mang những quyền lợi và nghĩa vụ của riêng bản thân.
- Có thể hút thuốc lá, uống rượu (chỉ khi bạn có thẻ chứng nhận trên 20 tuổi mới được mua thuốc lá tại các máy bán tự động).
- Có thể tham gia bỏ phiếu tổng tuyển cử và các hoạt động chính trị.
- Có thể tự đứng tên trên hợp đồng mà không cần sự đồng ý của bố mẹ.
- Tham gia đua ngựa.
- Tự do kết hôn (trước 20 tuổi cần có sự cho phép của bố mẹ mới được kết hôn).
- Nghĩa vụ:
- Phải tham gia nenkin
(nenkin là Nenkin là tiền bảo hiểm lương hưu, việc đóng khoản tiền này là nghĩa vụ của tất cả công dân trên 20 tuổi đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, kể cả người nước ngoài).
- Phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình như một công dân.
Sổ nenkin của Nhật Bản
Qua bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về lễ thành nhân Seijinshiki của Nhật Bản chưa nè? Lễ thành nhân này cònlà một nét văn hóa thu hút rất nhiều khách du lịch đến Nhật để ngắm nhìn hàng ngàn người trẻ tuổi trong những bộ trang phục truyền thống lộng lẫy nữa đó. Nếu có cơ hội đến xứ hoa anh đào vào tháng Giêng, các bạn đừng nên bỏ qua nhé ^^.
Leave a Reply