Chữ Obon là hình thức viết giản lược từ Ullambana (Vu-lan-bồn – 盂蘭盆會) trong tiếng Phạn, có nghĩa đen là “treo ngược” và dùng để chỉ một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng vào ngày này những người chết sẽ trở về dương gian thăm gia đình của mình.
Lễ hội Obon kéo dài đến ba ngày, và tùy theo mỗi địa phương mà ngày bắt đầu lại khác nhau: Shin bon(新盆・Tân Bồn – 15/7 Dương lịch), Kyu bon (旧盆・Cựu Bồn – 15/7 Âm lịch), Tsuki okure (月遅れ・Lễ muộn một tháng – 15/8 Dương lịch hoặc đầu tháng 8 Dương lịch).
Đặc trưng của lễ Obon:
- Bon Odori (盆踊り): một trong những nét đặc trưng truyền thống của Nhật Bản, góp phần tạo nên một nét văn hóa có một không hai. Tương truyền, vũ điệu này bắt nguồn từ vũ điệu thể hiện lòng biết ơn của Phật tử Mokuren khi đã đưa mẹ thoát khỏi cảnh khốn khổn chốn địa ngục. Vì vậy, Bon Odori mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân tổ tiên. Điệu nhảy Bon-Odori hiện nay đã phát triển thành rất nhiều phong cách khác nhau tùy theo từng vùng. Ngoài kiểu truyền thống điển hình là múa thành vòng tròn quanh một giàn gỗ nơi ca sĩ và nhạc công trình diễn, thì còn có những kiểu khác như: múa theo hàng thẳng, múa với quạt hay với những chiếc khăn đầy màu sắc,…
- Mukaebi (迎え火): Nghĩa là “những ngọn lửa chào mừng”. Vào ngày đầu tiên của lễ hội, các gia đình thường thắp lồng đèn giấy với mục đích dẫn lối cho những linh hồn tìm đường trở về nhà. Đối với những gia đình có người thân vừa mới mất và đây là lễ Obon đầu tiên sau sự ra đi đó, lồng đèn sẽ được treo ngoài cửa. Còn những gia đình khác chỉ treo đèn lồng trong nhà hoặc nhóm một ngọn lửa nhỏ ở mộ phần của tổ tiên.
- Toronagashi (灯籠流し): Toro có nghĩa là đèn lồng, còn nagashi có nghĩa là trôi đi. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, người Nhật sẽ thả những chiếc đèn lồng có thắp nến bên trong theo dòng sông, bởi họ tin rằng việc làm này sẽ tiễn những linh hồn về với thế giới bên kia. Khung cảnh hàng ngàn chiếc đèn được thả trôi trên sông, chiếu rực cả một khoảng trời phần nào khiến ta nhớ tới lễ hội thả hoa đăng ở Hội An.
- Ohakamairi (御墓参り): Chỉ việc thăm viếng và dọn dẹp những ngôi mộ của gia đình. Đây cũng là một yếu tố không thể thiếu trong lễ Obon. Điều này cũng gợi nhớ tới lễ tảo mộ ở Việt Nam
- Okuribi ( 送り火): Giống như nghi lễ Toronagashi, Okuribi cũng là một nghi thức để tiễn biệt và cũng được diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội tại Kyoto. Những đám lửa lớn được xếp thành hình các chữ Hán được đốt lên lần lượt trên năm ngọn núi xung quanh Kyoto. Bắt đầu là núi chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn (Hidari-Daimonji) gần Chùa Vàng, và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii, nghĩa là Cổng trời. Mỗi đám lửa sẽ được thắp sáng trong vòng 30 phút theo thứ tự lần lượt kể trên.
Vài điểm thú vị về Obon:
Trước ngày bắt đầu lễ Obon, người ta thường trang trí “Ngựa linh thiêng”, đó là những quả dưa leo và cà tím cắm que tăm hoặc đũa để tạo thành hình thú cưỡi. Dưa chuột là ngựa, cà tím là bò, những chú ngựa này mang ý nghĩa là “những người đã khuất sẽ lên ngựa để nhanh chóng trở lại trần gian thăm gia đình, sau đó sẽ cưỡi bò để thong thả từ từ quay trở về thế giới bên kia”.
Ngựa linh thiêng – thứ nhỏ bé đầy ý nghĩa
Lễ Obon của Nhật thật thú vị đúng không? Hãy cùng Newsky khám phá thêm nhiều điều về Nhật Bản nhé!
Leave a Reply