Trong tiếng Nhật, okimono nguyên lai có nghĩa là “vật trang trí”. Nhưng trong mắt các nhà sưu tầm chuyên nghiệp, okimono lại là tên gọi của những bức tượng tinh xảo bằng ngà voi gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy thăng hoa và biến động của Nhật Bản. Hãy cùng nhau khám phá câu chuyện ẩn sau những pho tượng tuyệt mỹ đại diện cho đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc xứ Phù Tang nhé.
Xuất hiền sớm nhất vào khoảng thế kỷ XVII, okimono vốn là những tượng bằng gỗ hoặc ngà khắc hình các vị thần, nhà sư hay bậc hiền giả được đặt trang trọng trên bệ thờ trong các gia đình Nhật Bản. Nhưng đến thời kì Minh Trị, khi nước Nhật cổ kính tách mình khỏi vỏ quả đào để vươn mình bước vào thời đại mới, sự háo hức cuồng nhiệt của giới quý tộc phương tây đối với xứ sở Phù Tang huyền bí đã tạo thành nhu cầu cực lớn đối với các tác phẩm điêu khắc từ Nhật Bản.
Từ đó, các nghệ nhân điêu khắc okimono không chỉ dừng lại ở các tác phẩm mang màu sắc tôn giáo, mà còn sáng tạo ra vô số tuyệt phẩm mang phong vị cuộc sống đời thường của người dân Nhật. Ngà cũng thay thế gỗ để trở thành nguyên liệu chính cho các tác phẩm okimono bởi nét đẹp quý phái và độ bền khôn sánh.
Thông thường, các tác phẩm okimono có chiều cao dao động từ 15 – 30 cm, nhưng cá biệt vẫn có những tác phẩm cao đến 50cm lên đến hàng chục ngàn đô Mỹ.
Đề tài của các pho tượng sinh động này cũng vô cùng phong phú như các vị thần trong thần thoại Nhật Bản, các samurai oai hùng, những thiếu nữ trong trang phục kimono truyền thống, nông phu giản dị, ngư dân hả hê với giỏ cá đầy, những bà mẹ phúc hậu cho con bú, rồi thì cảnh vật thiên nhiên, hoa lá, chim muông…
Cũng tùy vào quan điểm mỹ thuật của nghệ nhân mà okimono lại được phân thành hai trường phái đối lập, hoặc chú trọng nét đẹp nguyên thủy, thô mộc của chất liệu, hoặc thể hiện tới mức tối đa tài nghệ điêu khắc tinh xảo của nghệ nhân.
Giữa thế kỷ XIX, thành phần trí thức trong xã hội phương Tây mãi vẫn chưa có được một khái niệm cụ thể về đất nước hoa anh đào. Nhưng đến khi họ nhận ra mình đang bỏ lỡ cả một nền văn hóa lâu đời và trù phú thì chính tại Nhật Bản, công cuộc Âu hóa của Nhật hoàng Minh Trị đang diễn ra hết sức quyết liệt. Phục trang, quan điểm mỹ thuật và lối sống của các cư dân ở Tokyo thay đổi từng ngày. Đến mức ngay cả những người Nhật chính cống cũng hoảng hốt e ngại bước biến chuyển ấy sẽ phủ lấp những phong tục, lối sống và trang phục truyền thống mà họ từng quen thuộc.
Thế là từ các cư dân Nhật Bản cho tới những vị khách phương Tây đều cuống cuồng cố lưu giữ những vật phẩm, các tác phẩm mỹ thuật và điêu khắc có thể giúp họ tưởng niệm một thời vang bóng. Chính từ nhu cầu cấp thiết ấy mà những pho tượng ngà mang đậm hơi thở cuộc sống cổ truyền Nhật Bản đã tìm đường phiêu lưu đến tận các dinh thự của giới quyền quý châu Âu. Và mãi đến ngày nay, trong mắt nhiều nhà sưu tầm khó tính, chỉ những tác phẩm điêu khắc ra đời trong thời đại Minh Trị mới xứng đáng được nhận tên gọi okimono.
Nhưng với lệnh cấm việc sử dụng ngà voi từ năm 1989, các bậc thầy điêu khắc okimono buộc phải tìm cho mình một con đường mới. Nhiều người chuyển sang sử dụng các loại vật liệu khác như nhựa tổng hợp, gỗ, đồng hoặc sắt.
Và vào năm 2010, một tác phẩm okimono tạc hình rồng với các khớp xương có thể dịch chuyển đã được bán với cái giá kỉ lục 120.000 bảng Anh (gần 3 tỷ 6 tiền Việt).
Nhưng theo các nghệ nhân điêu khắc lớn tuổi, việc thao tác trên gỗ, nhựa hay kim loại không cách gì sánh được với chất liệu ngà vào những ngày xưa cũ, và một nghệ nhân chân chính thậm chí chỉ cần chạm nhẹ vào tác phẩm okimono là có thể đoán được chính xác chất liệu được dùng.
Do nguồn gốc ra đời đặc thù nên các bảo tàng trưng bày những tác phẩm okimono không chỉ tồn tại ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nước phương tây với hàng trăm tác phẩm okimono bằng ngà, gỗ, cẩm thạch và san hô của các bậc thầy như Udagawa Kzuo và Ishikawa Komei. Trong đó bao gồm cả những tuyệt tác được trưng bày ở hội chợ triển lãm thế giới năm 1867, đánh dấu lần đầu tiên các tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản xuất hiện ở một phiên triển lãm quốc tế.Tuy không phổ biển rộng rãi như những thanh gươm võ sĩ đạo hay chiếc áo kimono lừng danh, nhưng không thể phủ nhận okimono chính là một bộ phận không thể tách rời trong nền văn hóa Nhật Bản trù phú.
Khi ngắm nhìn một tác phẩm okimono là bạn đang thu vào tầm mắt cả một giai đoạn lịch sử đầy thăng hoa và biến chuyển của đất nước hoa anh đào, khi nét đẹp tinh tế và những giá trị thẩm mỹ của một phương đông huyền bí hòa cũng sức sống hừng hực của phương tây xa xôi.
Leave a Reply