Shinkansen là một hệ thống đường sắt cao tốc ở Nhật Bản do 4 tập đoàn đường sắt của Nhật Bản điều hành, nối liền các thành phố lớn của Nhật Bản với tốc độ tối đa tăng lên đến 603 km/h.

Các vụ như tàu trượt bánh hay các tai nạn đường sắt là những sự cố có thể gặp ở bất cứ hệ thống đường sắt nào kể cả các quốc gia phát triển bậc nhất như Mỹ hay nhiều nước châu Âu khác. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đường sắt không an toàn và nhắc đến an toàn đường sắt, cả thế giới chắc chắn phải ngả mũ trước đoàn tàu siêu tốc hình viên đạn Shinkansen của Nhật Bản- đoàn tàu cao tốc siêu nhanh siêu an toàn.

Vào năm 1964, Nhật Bản đã cho ra đời tàu cao tốc Shinkansen do Tập đoàn đường sắt Nhật Bản vận hành. Kỹ sư Hideo Shima – cha đẻ của loại tàu Shinkansen, đã thiết kế con tàu với mong muốn “đem lại cảm giác như máy bay” cho hành khách và sự ra đời của tàu đã giúp thúc đẩy nền kinh tế và công nghiệp Nhật Bản và thậm chí còn tạo ra cuộc cách mạng đối với ngành du lịch đường sắt lúc đó đang bị lu mờ bởi sự phát triển khác của các phương tiện như là ô tô và máy bay. 

Tàu Shinkansen nổi tiếng về tính đúng giờ, sự thoải mái, an toàn và tốc độ cao.

Vận tốc loại thường Shinkansen đạt được là 443km/h. Còn tàu điện từ (tức là phiên bản nâng cấp của Shinkansen) có thể đạt vận tốc tới 603km/h với tốc độ rung lắc và tiếng ồn cực thấp. Sức chứa mỗi con tàu lên tới hơn 1000 chỗ ngồi.

(tốc độ của tàu điện Nhật Bản đạt 603km/h)

Với tốc độ đáng kinh ngạc như thế, nhưng theo thống kê của ngành đường sắt Nhật Bản trong suốt hơn 50 năm hoạt động, tàu Shinkansen đã chuyên chở hơn 10 tỷ lượt hành khách nhưng chưa có hành khách nào thiệt mạng cho dù Nhật Bản thường xuyên chịu thiên tai như động đất, bão lốc. Tính đến nay, tai nạn duy nhất trong lịch sử của Shinkansen xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 3 năm 2013 ở tỉnh Akita khi một đoàn tàu Shinkansen bị trật bánh do tuyết quá nhiều.

Bên cạnh đó tàu Shinkansen thường xuyên đúng giờ. Thời gian đến muộn so với lịch trung bình chỉ 36s, tính cả các chậm trễ do nguyên nhân khó kiểm soát như thiên tai. 

Khi lên tàu, hành khách được đề nghị tắt điện thoại hoặc để rung. Nếu buộc phải gọi hay nhận điện thoại, hành khách cần ra khu vực giữa các khoang tàu để không làm phiền đến những người xung quanh.

Trên tàu chỗ ngồi thoải mái và nhân viên chu đáo.

Bạn thậm chí không phải lo lắng về thức ăn vì đã có xe đồ ăn nhỏ được đẩy bên trong tàu và mỗi giỏ hàng có nhiều loại đồ ăn nhẹ, đồ uống và các món ăn đóng hộp để bạn lựa chọn.

Khi đến ga cuối cùng, cả đoàn tàu sẽ được một đội dọn dẹp làm sạch trong vòng 7 phút. Để có thể dọn dẹp thuận lợi đúng giờ, các hành khách thường đem theo rác của mình để bỏ vào túi rác của nhân viên. 

Chính vì những ưu điểm đó, mà khách du lịch nước ngoài đều muốn trải nghiệm con tàu cao tốc hình viên đạn này nhưng giá vé của Shinkansen lại không rẻ. Giá của nó đắt gấp đôi gấp ba tàu thường và đôi khi còn đắt hơn vé máy bay giá rẻ.

Dù vậy hiện nay vẫn có khoảng hơn 400 ngàn hành khách sử dụng tàu Shinkansen mỗi ngày.